Món ngon mỗi ngày

Những món ngon cho mâm cỗ ngày tết cổ truyền

Theo phong tục ăn tết cổ truyền dân tộc, hàng năm người Hà Nội đã bắt tay vào chuẩn bị lo tết từ cuối tháng Mười một âm lịch. Điều quan tâm đầu tiên của người dân Thủ đô là việc sửa soạn cho nồi bánh chưng. Bởi lẽ, chiếc bánh chưng xanh, từ ngàn đời nay đã trở thành một biểu tượng đặc sắc và độc đáo của bản sắc văn hóa dân tộc trong ngày tết cổ truyền. Do vậy, mọi người dân đất Việt dù giàu hay nghèo thì mỗi nhà cũng lo gói vài ba cặp bánh chưng để dâng cúng tổ tiên và ăn tết.

Mâm cỗ ngày tết cổ truyền
Mâm cỗ ngày tết cổ truyền

Tham khảo:

Trước hết các mẹ, các chị lo mua gạo nếp và đỗ xanh để gói bánh chưng, thổi xôi, nấu chè… Sau đó họ lo mua các loại đồ khô khác như: măng khô, miến tầu, bóng bì, bóng cá, long tu, nấm hương, lạc nhân, hạt tiêu, hạnh nhân, mộc nhĩ v.v… Nếu nhà nào có điều kiện thì nuôi cầm lồng sẵn vài con gà trống hoa mơ, mới biết gáy (chưa biết đạp mái); hoặc đôi gà sống thiến, hay vài con gà mái ghẹ… Sang đầu tháng Chạp thì mọi nhà lo muối dưa cải, dưa hành, mua ít lạp xường và làm hũ trứng muối. Nhà khá giả làm thêm vài món ăn sang trọng cầu kỳ như: Món trứng đen. Người ta dùng chè mạn ngon đun lấy nước đặc, rồi đem tôi vôi, có cho thêm một ít đinh hương, hoa hồi và quế chi. Sau đó nước này đem đun sôi rồi thả từng quả trứng gà (hay vịt) vào, tiếp tục đun sôi vài phút rồi lần lượt vớt trứng ra. Tiếp theo, xếp trứng vào hũ đậy kín để cạnh bếp, rồi mỗi ngày xoay hũ vài ba lần cho nhiệt độ trong hũ nóng ấm đều. Sau độ hai mươi ngày thì có thể lấy trứng ra ăn được. Khi ăn, quả trứng cắt ra có màu đen sẫm là đạt yêu cầu. Món trứng đen là một món ăn quý trong ngày tết của người dân Hà thành, vì chất bùi ngậy của trứng, vị thơm lạ của chè và gia vị, mùi nồng đậm của vôi. Nhờ có chất vôi ngấm trong trứng làm cho người ăn chóng tiêu, tạo cảm giác ngon miệng, không bị ngấy do lượng thịt mỡ quá nhiều trong những bữa ăn ngày tết.

Ở Hà Nội, có hai loại bóng bì: Bóng bì rán và bóng bì nướng (hay còn gọi là bóng bì Sài Gòn). Giờ đây bóng bì Sài Gòn ít người dùng, còn bóng bì rán được ưa chuộng nhiều hơn vì sự thơm ngon và dai mềm đặc trưng của nó. Những miếng bóng bì rán to, cuộn cong, được xâu vào dây treo ở các cửa hiệu bán hàng khô gần chợ Đồng Xuân (phố Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Cân…) Vào dịp tết Nguyên đán, người ta mua bóng bì rán về nấu cỗ cúng gia tiên. Ngoài ra, nhà nào cũng mua một vài quả gấc để nấu xôi gấc, cũng tất niên và dâng cúng gia tiên vào sáng mùng một tết. Người Hà Nội quan niệm rằng xôi gấc có màu đỏ tươi sáng, ưa nhìn là biểu tượng cho sự may mắn tốt lành. Đến khoảng trung tuần tháng Chạp, các chợ Hà Nội bán đầy lá dong để phục vụ bà con nội thành gói bánh chưng và gói giò. Ngoài ra còn một số món đặc trưng mang hương vị ngày tết như món mứt tết. Ở Hà Nội có nhiều loại mứt tết do các gia đình tự làm hoặc mua sẵn ở các cửa hàng rất thuận tiện. Trước đây món mứt được các cô gái Hà Nội đăng cai. Họ thể hiện sự tài khéo của mình trong dịp tết năm mới. Khi có khách đến nhà thăm viếng, chủ nhà mời thưởng thức món mứt tết do chính tay những người phụ nữ trong gia đình làm, là một niềm tự hào, hãnh diện của chị em Hà thành. Mứt tết có nhiều loại như: Mứt sen, mứt lạc, mứt cà rốt, mứt hồng, mứt dừa, mứt dứa, mứt bí… Ngày nay mứt tết được sản xuất hàng loạt trên dây chuyền công nghệ tiên tiến, đóng vào hộp hoặc bao bì đẹp với chất lượng cao, tiện lợi cho người sử dụng, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Nhưng một số gia đinh có điều kiện vẫn duy trì việc làm mứt tết theo kiểu truyền thống.

Ngoài mứt ra còn có rất nhiều chủng loại bánh kẹo dân gian cổ truyền vẫn được người Hà Nội ưa thích trong dịp tết như: Bánh chè lam, bánh Vẽ, bánh Huê cầu làm bằng gạo nếp. Đó là những loại bánh nổi tiếng của các làng ngoại thành đem vào bán cho dân nội thành ăn trong dịp tết. Bánh Vẽ to bằng quả trứng gà, nở phồng, bên trong xốp, ăn giòn và dịu ngọt, là loại bánh đặc sản của làng Vẽ (Từ Liêm); Còn bánh Huê Cầu vuông bằng hai ngón tay mỏng như giấy, nhuộm đủ màu sắc rực rỡ do làng Xuân cầu làm ra. Khi ăn, cho bánh vào rán trong chảo mỡ sôi thì bánh sẽ nở bông xòe, như hoa giấy ngũ sắc rất đẹp. Có người còn quan niệm rằng nếu sáng mùng một tết rán bánh Huê Cầu nở to và đẹp thì nhà có nhiều phúc lộc, may mắn trong cả năm. Ngày nay, xuất hiện nhiều loại bánh chế biến từ bột mì với trứng đường như: Bánh quy bơ, bánh sămpa, bánh xốp, bánh nướng v.v… Món hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương cũng được nhiều người Hà Nội ưa chuộng dùng trong ngày tết. Đĩa hạt dưa nhuộm đỏ hoặc đĩa hạt bí, hạt hướng dương rang thơm nổi bật giữa mâm cỗ bánh kẹo ngày tết thật là hấp dẫn, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em rất thích cắn “tí tách” trong khi người lớn nói chuyện hoặc thưởng thức các món “cao lương mỹ vị” khác.

Đến ngày hăm ba tháng Chạp (23/12 âm lịch) mọi gia đình ở Hà Nội đều cử hành lễ tiễn Táo Quân lên chầu trời. Lễ vật dâng cúng phải là ba con cá chép và ba bộ mũ áo, vàng mã cho ba vợ chồng nhà Táo (theo tục truyền gồm hai ông và một bà). Sau khi sửa soạn xong lễ vật thì đặt lên bàn thờ gia tiên, cử hành cúng tế thần linh. Sau một tuần hương lễ tạ chủ nhà đem cá chép ra thả ở sông hoặc hồ gần nhà để “phóng sinh” làm “ngựa” cho ba vợ chồng nhà Táo lên chầu trời. Còn mũ áo, vàng mã thì đem hóa đi và kết thúc lễ này. Qua tết Ông Táo thì mọi nhà đều khẩn trương chuẩn bị sắm sửa cho tết Năm mới. Không khí tết đã rộn ràng hẳn lên, nhiều công việc phải giải quyết như: Chuẩn bị gạo nếp, đỗ thịt, lá dong để gói bánh chưng, gói giò, làm mứt, dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn thờ… Mọi gia đình phải tự lập “thời gian biểu” riêng hợp lý cho nhà mình trong những ngày giáp tết.

Ngày hăm bảy tết, mọi gia đình ở Hà Nội đã đem đỗ ngâm, rửa lá dong. Sáng hăm tám tết thì đãi đỗ, vo gạo, thái thịt gói bánh chưng, rồi xếp vào nồi luộc trong nội ngày hăm chín. Người Hà Nội thường gói bánh chưng sớm hơn các nơi khác. Sáng ba mươi tết, bánh chưng đã được vớt, rồi nén cho bánh khô ráo và buộc dây từng cặp một treo vào nơi thoáng mát để bảo quản. Nhiều nhà, sẵn có lá dong gói vài cặp giò thịt thủ lợn, hoặc chân giò với mộc nhĩ, hoặc gói thêm chiếc giò xào… Có nhà còn làm thêm món cá kho riềng để ăn với các món khác cho đỡ chán. Trước hết ở đáy nồi, người ta cho một lớp riềng thái mỏng, xong cho từng khúc cá chép to đã rán sơ qua vào xếp lần lượt. Có khi còn cho thêm một ít sườn lợn vào giữa lớp cá và riềng, để tạo thêm vị đậm béo. Cá kho kỹ chín nục cả xương. Miếng cá kho riềng thơm ngon đậm béo ngậy ăn với bánh chưng thì tuyệt vời, mang đậm hương vị ngày tết và rất đặc trưng của người Hà thành sành ăn, thanh lịch.
Ngoài ra trong bữa cỗ ngày tết của người miền bắc đặc biệt là người Hà Nội không bao giờ thiếu được món cá kho thơm ngon truyền thống của người dân miền bắc từ bao đời nay. Cá kho hay các món được chế biến từ cá được các gia đình việt nam không chỉ dùng trong ngày thương mà ngày tết cũng đều có trên hầu hết các mâm cỗ của mọi gia đình người Việt.
Đến trưa hoặc chiều ba mươi tết, mọi công việc sắm sửa cơ bản là xong. Ngoài những thứ ẩm thực như vài chai rượu ngon, cân chè mạn và các món cỗ ra, người Hà Nội không quên mua vài thẻ hương trầm thơm ngát, vàng mã, trầu cau hoa quả để bày bàn thờ cúng gia tiên trong ba ngày tết.
Bạn quan tâm: Cá kho làng Vũ Đại