Báo chí đưa tin

Chàng kỹ sư xây dựng kiếm 5 tỷ đồng/năm nhờ bán…cá kho làng Vũ Đại – Báo Đời sống và Hôn nhân

Không chỉ làm giàu cho mình, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục nhân viên cùng nhiều hộ gia đình ở làng Vũ Đại, Toàn còn góp phần đưa những tinh hoa ẩm thực dân tộc đến nhiều vùng trong cả nước và bạn bè thế giới. Ngoài những giải thưởng, bằng khen vinh danh, gần đây nhất, cơ sở chế biến cá kho của anh Toàn còn được chọn là đại diện duy nhất của khu vực Châu á Thái Bình Dương mà Google về quay clip, quảng bá thương hiệu đặc sản món ăn ngon của Việt Nam.
Anh Nguyễn Bá Toàn – Giám đốc công ty Đặc Sản Việt Nam với thương hiệu DASAVINA
Anh Nguyễn Bá Toàn – Giám đốc công ty Đặc Sản Việt Nam với thương hiệu DASAVINA

Đang có một công việc ổn định với thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng, anh Nguyễn Bá Toàn (SN 1982, huyện Ninh Giang, Hải Dương) quyết định bỏ ngang để đi bán cá kho trước sự ngỡ ngàng và phản đối kịch liệt của gia đình. Tuy nhiên, sau 4 năm lăn lộn thương trường, anh đã chứng minh cho mọi người thấy ý tưởng táo bạo của mình hoàn toàn đúng đắn. Chia sẻ với PV báo ĐS&HN, anh Toàn cho biết, với mô hình kinh doanh này, mỗi năm anh đạt doanh thu khoảng 5 tỷ đồng và đang ấp ủ dự định xuất khẩu món ăn dân dã này ra nước ngoài.

Bước ngoặt bất ngờ

Xuất thân trong một gia đình nông dân, vì thương cha mẹ nghèo khó nên hai anh em Toàn luôn nỗ lực học hành. Năm 2005 anh tốt nghiệp loại khá, ngành xây dựng công trình – một ngành đào tạo có uy tín của của trường đại học Giao thông Vận tải. Vốn thông minh, năng động, anh nhanh chóng được nhận vào làm tại các dự án xây dựng của nhà thầu nước ngoài với mức thu nhập mà nhiều sinh viên mới ra trường phải mơ ước. Sau 6 năm gắn bó với lĩnh vực xây dựng, năm 2011, khi sự nghiệp đang trên đà phát triển thì anh lại quyết định rẽ sang hướng khác.

Nhớ lại bước ngoặt của mình, Toàn kể: Trong một lần ghé thăm người bạn ở Lý Nhân (Hà Nam), anh được gia đình mời cơm với món cá kho làng Vũ Đại. Món cá kho riềng, chanh ớt cùng nhiều gia vị cổ truyền được chế biến cầu kỳ rất đậm đà, thơm ngon. Cá được cắt khúc, kho nhừ cả xương nhưng không hề vỡ vụn mà khô, chắc và vẫn giữ được vị ngọt đặc trưng. Cả những miếng riềng, gừng cũng mềm tan trong miệng. Món cá kho làng Vũ Đại ngon đến nỗi, anh chén liền 4-5 bát cơm mà vẫn không thấy no. Anh còn đặt mua thêm vài nồi về làm quà cho người thân và để tủ lạnh ăn dần.

Sẵn có máu kinh doanh, trở về Hà Nội, cả đêm đó Toàn không ngủ. Anh lên mạng tìm kiếm thông tin về cá kho và các kênh bán hàng. Ngay sau đó anh quyết định nghỉ việc để đi buôn cá trên chợ online. Toàn nhờ người bạn thiết kế gấp cho một trang web bán hàng rồi liên hệ với các quán ăn, nhà hàng ở Hà Nội, tự thiết kế tờ rơi và nung nấu thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình. “Lúc tôi quyết định nghỉ việc để kinh doanh trong thời điểm kinh tế khủng hoảng, gia đình và bạn bè không ai ủng hộ. Đặc biệt là bố tôi, gọi điện thoại khuyên con không được, ông bắt xe lên Hà Nội để bảo con tập trung cho công việc hiện tại. Nhưng tôi một mực không nghe. Giận quá, ông bỏ về quê không nói một lời nào. Mẹ và em gái tôi ban đầu cũng ngăn cản nhưng trước sự kiên quyết của tôi, họ vừa ủng hộ nhưng cũng vừa lo lắng. Vài ngày sau, bố tôi gọi điện lên bảo: “Con đã quyết định thì không được hối hận. Đã làm thì phải chuyên tâm và nhất định phải thành công”, Toàn tâm sự.

Gian nan dựng nghiệp

Thu nhập thuộc diện cao, ổn định nhưng chi phí sinh hoạt đắt đỏ, lại là thanh niên chưa vợ nên anh cũng ham vui với bạn bè. Ngoài một phần lương gửi về quê phụ giúp bố mẹ trang trải sinh hoạt, Toàn cũng không có nhiều vốn liếng lận lưng. Với 10 triệu đồng trong tay, anh “nướng” cả vào việc mua tên miền, xây dựng website, in ấn tờ rơi quảng cáo… Hai tháng đầu tiên khởi nghiệp, Toàn không có một khách nào đặt mua. Anh trăn trở đến nỗi quên ăn, tóc không cắt, râu cũng mặc. Lo cho sức khỏe của anh trai, Thanh Minh (em gái Toàn) đã động viên và cùng anh bàn bạc, lập lại chiến lược kinh doanh.

Sang tháng thứ ba thì có khách ở Hà Nội gọi đặt một niêu cá 2kg. Toàn vui lắm, anh liền gọi về nhà bạn ở Lý Nhân, khẩn trương chế biến và gửi lên Hà Nội nhanh nhất có thể. Những ngày sau cũng vậy. Ngày ít thì 1-2 nồi, ngày nhiều lên tới 45-50 nồi, dịp Tết thì nhiều hơn, khoảng 300-400 nồi/ngày. Ban đầu, mình anh túc tắc giao hàng nhưng khi có quá nhiều đơn hàng, Toàn phải huy động bạn bè, người thân và thuê thêm người giao hàng. Bà Loan (mẹ Toàn) cho biết: “Những hôm nhiều đơn hàng, mình Toàn phải giao đến 12h đêm mà vẫn không hết. Cơm nước chả kịp ăn, tắm xong là lăn ra ngủ. Sáng sớm lại phải đi giao hàng cho khách. Vì không sử dụng chất bảo quản nên thời hạn sử dụng rất ngắn, chỉ được 5-7 ngày. Nếu bảo quản tốt trong ngăn mát tủ lạnh thì cũng chỉ được 15-20 ngày là cùng”.

Công việc ngày càng thuận lợi, đầu năm 2013, anh thành lập công ty TNHH Thương mại Đặc sản Việt Nam để tiện cho việc giao dịch và phát triển lâu dài. Ngoài 10 nhân viên hoạt động thường xuyên tại văn phòng Hà Nội còn có khoảng 20 nghệ nhân, cao niên kho cá giỏi nhất trong làng hợp tác cùng với anh để giữ lửa nghề tại cơ sở sản xuất ở Hòa Hậu (Lý Nhân). Anh Trần Bá Trung – Giám đốc chi nhánh Hà Nam, Công ty Đặc sản Việt Nam cho hay: “Lúc đầu, Toàn có chia sẻ về ý định kinh doanh cá kho, tôi cũng không hào hứng lắm bởi món này tuy ngon nhưng quá dân dã, lại bán online. Mà dân Việt Nam mình ít người có thói quen mua hàng qua mạng nên chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Khi nào có đơn hàng, anh ấy gọi thì gia đình tôi lại kho rồi gửi xe ô tô lên. Không ngờ Toàn giỏi thật. Vào những dịp Tết, chúng tôi phải huy động 30-40 người, thay nhau làm ngày làm đêm mới kịp giao hàng đấy”.

Giấc mơ vượt vũ môn

Một nồi cá kho có giá khá cao. Nồi loại 1kg cá tươi nguyên liệu có giá 400.000 đồng, nồi 4,5kg giá 1,1 triệu đồng… nhưng khách hàng trên khắp cả nước đặt mua rất đông, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM. Vào dịp Tết, sô đơn hàng của anh Toàn lên đến 500-600 nồi/ngày. Để có được lượng khách lớn như hiện nay, ngoài cách quảng bá món ăn đặc sản Việt, anh Toàn phải quản lý sát sao nguyên liệu chế biến cá kho, tang chất lượng, mẫu mã bao bì và chính sách chăm sóc, phục vụ khách. Cũng nhờ sự quản lý sáng tạo và khoa học của Toàn mà món cá kho Vũ Đại không chỉ nổi tiếng khắp các vùng trong cả nước mà bạn bè thế giới cũng biết đến.

Nói thì dễ nhưng làm thì không đơn giản. Bản thân Toàn không được đào tạo bài bản, không có kinh nghiệm quản lý nên việc kinh doanh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên với sự thông minh, ham học hỏi, anh vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, Toàn cũng tranh thủ thời gian tham gia một số khóa học nâng cao kỹ năng nghiệp vụ kinh doanh, quản lý ở một số trung tâm uy tín và cả chuyên gia nước ngoài. Sau gần 4 năm dũng cảm rẽ sang hướng mới, năm 2013, chỉ tính riêng doanh thu từ bán cá kho, công ty của Toàn đã có doanh thu trên 5 tỷ đồng. Gia đình ông Trần Bá Sản – bà Trần Thị Thìn, một trong những hộ chế biến cá kho ở Vũ Đại cung cấp cho công ty Đặc sản Việt Nam chia sẻ: “Nhờ cháu Toàn mà ngoài thu nhập từ trồng lúa, dệt vải, chăn nuôi, gia đình còn có một khoản thu nhập khá từ nghề kho cá. Nếu không có Toàn, chắc món cá kho chỉ quanh quẩn trong làng Vũ Đại đến huyện Lý Nhân là cùng”.

Ngoài kinh doanh cá kho, anh còn kinh doanh các loại đặc sản khác như: chả mực Hạ Long, bánh gai Ninh Giang, chuối ngự Đại Hoàng… cũng cho doanh thu đáng kể. Toàn hồ hởi: “Chúng tôi cũng có rất nhiều đơn hàng từ nước ngoài như Mỹ, Pháp, Nga, Thái Lan, Singapore nhưng đành phải từ chối vì chúng tôi chưa hoàn thiện được thủ tục pháp lý và chất lượng sản phẩm để xuất khẩu. Một mặt vì cá kho Vũ Đại hoàn toàn không có chất bảo quản nên hạn sử dụng ngắn. Mặt khác, niêu kho cũng mỏng, không đảm bảo chắc chắn khi xuất khẩu và hoàn toàn sản xuất thủ công nên năng suất chưa cao… Tuy nhiên một số người là Việt kiều về thăm quê hoặc đi du lịch tới đặt mua cá kho của chúng tôi rồi xách tay qua nước ngoài có phản hồi rất tốt về hương vị và chất lượng. Dự kiến 2015, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện để có thể xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Singapore…”.

Báo đời sống và hôn nhân viết về chàng kỹ sư kho cá Nguyễn Bá Toàn
Báo đời sống và hôn nhân viết về chàng kỹ sư kho cá Nguyễn Bá Toàn