Con cá trắm khoảng một, hai cân, đầu và đuôi đã thành món riêu trước Tết. Mấy khúc giữa buộc sợi lạt mỏng tơi, đun kỹ với nước mắm ngon, nước hàng cho mầu nâu, thêm chút nước chè tươi đặc và lá chè lót đáy nồi. Cũng có thể lót bằng gừng già hoặc ít lát giềng giã dập. Nồi cá kho mất nhiều thì giờ, công phu nhất. Đun cạn, khúc cá thật nhừ phải chục tiếng đồng hồ, để khi đặt lên đĩa nó còn nguyên hình chiếc thoi mập mạp, không vỡ nát, cái vẩy cá quăn lại như từng chiếc ống nhỏ, giòn sần sật. Còn thịt cá rõ từng thớ, màu hồng, mặn nơi đầu môi một chút thôi sẽ góp phần làm miếng bánh chưng đậm đà hơn. Cá kho Tết thường thật mặn, dù có rưới ít mỡ khi nồi cá sắp bắc ra, vẫn không hề ngấy. Nồi cá không cần cho vào tủ lạnh, chỉ tiếp xúc với gió mùa đông bắc cuối chạp và mấy ngày Tết lạnh tê, có khi đến mùng mười tháng giêng vẫn không thiu, không hỏng.
Hiện tại, mọi món ăn có thể đặt sẵn ở cửa hàng, nhất là những đôi vợ chồng trẻ, các nhà doanh nghiệp ít thì giờ, từ gà, lợn đến lạp xườn, giò chả, nem rán, chim quay, xôi, bánh chưng… Riêng món cá kho tết, hầu như là món chỉ gia đình nào nặng về truyền thống, có người phụ nữ giỏi gia chánh, có cụ ông yêu cầu… nó mới được cho xuất hiện như một minh chứng cho ngày tết cổ truyền bởi đây là một món ăn có từ lâu đời thể hiện nét đẹp truyền thống của cha ông từ ngàn đời nay mỗi khi chuẩn bị mâm cỗ cũng gia tiên ngày tết.
(Theo Phụ Nữ Thủ Đô, Xuân Tân Tỵ).
Bạn quan tâm: Cá kho làng Vũ Đại