Các món Cá Kho

Cá kho Hà Nam nổi tiếng

Để có được trên mâm cỗ những món cá kho ngon, người vào bếp phải kiên nhẫn, dành nhiều thời gian và đặt cả tinh thần vào chăm sóc cho bữa ăn gia đình. Cá kho tuy nghe thì dễ học, nhưng bắt tay vào làm mới thấy nó khó khăn đến thế nào. Cùng vào bếp để thử làm cho gia đình bữa cơm ngon ngọt với món cá kho làng Vũ Đại đậm chất quê hương nhé.

Món cá kho làng Vũ Đại
Món cá kho làng Vũ Đại

Nguyên liệu:  

Món cá kho có thể tạm sắp thành hai loại:

Cá kho nước: món ăn kho hơi lạt, có nhiều nước để dùng chan vào bún, cơm; thường dùng những loại cá biển như cá ngừ, cá thu, cá sòng, cá nục…

Cá kho nước
Cá kho nước

Cá kho khô: món ăn rất đậm đà, mặn miệng… Sau khi chế biến gần như cạn hết nước và kho không khô hẳn nhưng cũng không có nhiều nước; thường sử dụng những loại cá nước ngọt như cá lóc, cá basa, cá bống, cá kèo, cá cơm… nhưng một vài loại cá biển thân nhỏ như chuồn, trích, nục… vẫn kho khô được.

Cá kho khô
Cá kho khô

Trong hai cách kho này, tùy người, tùy vùng… ngoài gia vị thường dùng còn sử dụng vài phụ gia như thơm chín; xơ mít chín; chột nưa (một loại cây quen thuộc vùng Bình Trị Thiên VN, họ môn, giống như cây môn ngọt hay cây bạc hà trong miền Nam nhưng có vị khác); mía lau; thịt heo ba chỉ (ba rọi)… và cả nước trà để khử vị tanh. Xin trình bày căn bản, phần chế biến tùy thích các bạn làm thêm với các loại thực phẩm tìm được ở nước ngoài.

1. Gia vị:
-Chuẩn bị muối, tiêu, nước mắm, đường, nước màu hay còn gọi là nước màu dừa (một dạng caramel chế biến từ đường nấu cho thành dạng sệt, vị cháy đắng, có màu nâu đỏ đậm. Thường dùng nước màu dừa để kho cá thịt, tạo vị đắng ngọt, pha màu… cho vài món ăn khác) – nước màu dừa thường có bán tại những chợ  ở hải ngoại; ớt tươi, hành tím khô, dầu ăn hoặc mỡ nước,

2. Phụ gia: 
-Tùy ý sử dụng như thơm chín cắt miếng nhỏ, cà chua chín cắt miếng bỏ phần hột, xơ mít chín (trái mít chín, sau khi gỡ múi, cắt lấy phần cọng xơ dạng sợi) mía lau róc vỏ, chặt khúc 5cm, chẻ nhỏ, chột nưa đã muối mặn v.v…

3. Cá kho nước:
– Các loại quen thuộc  để dùng kho nước là các loại cá biển như cá ngừ, cá thu, cá nục, cá chuồn, bạc má… Cá thu, cá ngừ thường ở dạng cắt lát dày khoảng 1,5 – 2cm. Còn như cá nục, cá chuồn… nếu cá dài cỡ chừng 15 – 20cm thì kho nguyên con (sau khi làm sạch và đánh vảy); nếu cá lớn con hơn thì tùy ý cắt khúc ngắn.

Chọn cá sắt khúc
Chọn cá sắt khúc

– Dùng cỡ nồi vừa đủ. Để lúc trở cá không bị dính, hay bể cá, mất đẹp

– Phân lượng gia vị tương đối cho 500gr cá ngừ hoặc các loại đã kể, cho ra vị cá kho hơi lạt: Xếp cá vào nồi, rắc phủ đều lên mặt cá khoảng 50gr đường và đong đường bằng muỗng – nếu đã dùng mấy muỗng đường thì cho thêm chừng đó muỗng nước mắm + ½ muỗng cà phê tiêu + 1 muỗng cà phê muối + 20gr hành tím lột vỏ, đập dập + ½ muỗng súp nước màu dừa + 2 trái ớt chín đỏ, khoảng 15 – 20gr, để nguyên trái – không bẻ gãy ớt + 1 muỗng súp dầu ăn hoặc mỡ nước. Đậy kín cá, để qua 1 giờ hoặc hơn cho cá thật thấm gia vị. Trong khi ướp cá, đường sẽ làm cho cá săn chắc và thấm các loại gia vị khác chứ không phải do mắm muối. Nước màu dừa có tác dụng làm cho màu nước cá kho vàng nâu đẹp mắt, nếu dùng nhiều nước kho sẽ có màu đỏ nâu và đắng. ( Có người dùng nước tương đen ( hắc xì dầu) nhưng màu sẽ không ra đỏ, mà đen hơn nước màu

Những phụ gia có thể dùng cho thêm vào món cá kho nước:
Nhất là dùng cá ngừ: Thịt ba chỉ heo cắt miếng nhỏ cỡ ½ ngón tay út 100gr thịt / 500g cá; 50gr thơm chín cắt miếng nhỏ hoặc 50gr cà chua chín, bỏ hột, cắt miếng nhỏ; cho vào đáy nồi khoảng 100gr mía lau róc vỏ, chặt khúc ngắn 5cm. chẻ mỏng… Những loại phụ gia này tùy thích sử dụng tất cả hoặc một hai thứ, món cá kho sẽ có nhiều hương vị hơn.

– Nước trà: Cho thêm ít nước trà (người Bắc gọi là nước chè) vào món cá kho nước là thói quen khẩu vị của một số người Trung, người Bắc. Dùng nước chè lá tươi đã nấu pha hoặc chè Bắc Thái Nguyên pha không đậm lắm, cho vào khoảng 50cc / 500gr cá, vị cá kho sẽ trở nhẹ nhàng, làm tăng mùi thơm nước kho và không nghe mùi tanh cá. Nếu ở nước ngoài muốn kho thử mà không có nước trà xanh chẳng hạn, bạn có thể dùng trà Lipton đen loại túi lọc, không nên sử dùng loại trà ngọt có vị cam chanh hay gừng.
( Cũng có người dùng coca thế nước trà, nhưng cá kho có vị ngọt hơn là dùng nước trà)

– Kho cá: Sau khi ướp cá, bắc nồi cá lên bếp, để vừa lửa, châm thêm vào một lượng nước sôi ngập hơn mặt cá khoảng 2 – 3cm. Khi thấy nước sôi, hạ lửa nhỏ riu riu kho trong khoảng 45 phút, thăm chừng nước, nếu thấy nước cạn phải châm thêm nước sôi để giữ nước kho luôn cao hơn mặt cá, thăm chừng nạc cá vừa săn chắc, nước vẫn cao hơn mặt cá chừng 1 – 2cm là vừa.

– Về việc nêm nước cá kho: Món cá kho nước hay dùng ăn bún tươi cho nên thường kho lạt nhưng tùy khẩu vị, sau khi kho xong cứ nêm thêm chút muối, đường… theo ý riêng. Lưu ý khi dùng nước mắm để nêm vì có nhiều loại nước mắm nếu dùng nhiều sẽ tạo thêm vị chua chứ không phải mặn. Hoặc tùy ý giã nhỏ ít tỏi ớt trong một cái chén, cho vào ít nước cá kho rồi làm loãng ra với ít nước sôi sau đó mới nêm lại với chút muối, đường, nước mắm… và dùng loại nước cá pha lạt này để chan kèm bún tươi, rau sống cắt nhỏ, dưa leo băm.

Liêu cá kho làng Đại Hoàng
Liêu cá kho làng Đại Hoàng

– Nếu muốn kho lâu hơn cứ tiếp tục để nồi cá trên bếp với lửa thật nhỏ cho đến khi nước kho cạn sấp mặt cá bạn sẽ có vị cá kho đậm đà hơn nhưng cách kho này vì đã dùng nước cho nên nạc cá sẽ có vị khác cách kho khô. Hiệu quả hơn cho món cá kho, bạn hãy tìm hiểu thêm bí quyết của món cá  kho ở làng Đại Hoàng Hà Nam. Cá kho Đại Hoàng vốn nổi tiếng và trở thành món ăn quen thuộc từ lâu đời của người dân Hà Nam, và không thể thiếu trong những bữa cơm ngày tết.